(Đức Phổ Online) Không chỉ đẩy những hộ chăn nuôi rơi vào cảnh khốn khổ vì dịch bệnh, rồi gia cầm “đại hạ giá” mà thời tiết bất thường còn khiến người trồng lúa, làm rau lo lắng, phập phồng với vấn nạn mất mùa, thất bát…
Hết lạnh đến sương muối…
Nông dân bảo rằng, chưa có vụ đông xuân nào mà họ đỡ tốn phân, thuốc diệt trừ sâu bệnh như năm nay. Lý do bởi sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, các bệnh như đạo ôn, bọ trĩ hay sâu cuốn lá đã được bà con kịp thời tiêu diệt ngay lúc chúng manh nha xuất hiện. Có điều, sự chủ động phân thuốc của nông dân chưa hẳn là yếu tố chính giúp sâu bệnh bị loại trừ ra khỏi đồng ruộng một cách nhanh gọn và dễ dàng đến thế nếu thời tiết không lạnh kéo dài!
Bởi nói như ông Võ Duy Khánh ngụ thôn Bàn Thạch, xã Phổ Cường (Đức Phổ - Quảng Ngãi) thì: “Lạnh quá, người còn chịu không nổi huống chi sâu bệnh”.
Lúa đứng rạ, không trổ hoa kết hạt nên bà con đành thả cho trâu bò ăn.
Tuy nhiên, ngoài việc kìm hãm sự phá hại của sâu bệnh, thì trời lạnh kết hợp với sương mù đã khiến cây lúa cũng bị ảnh hưởng. Trà lúa chính không chỉ chậm phát triển, mà còn xảy ra nạn “hạt lép ép hạt chắc” đối với trà lúa sớm. Bởi giai đoạn trổ, trà lúa sớm lãnh trọn cái lạnh sâu kèm với sương muối dày đặc, khiến cây lúa không phân hóa đòng, gây lép.
Theo ông Khánh, dù cây lúa ở đây đã gần ba tháng tuổi, nhưng số thì đứng rạ với chiều cao chỉ hơn một gang tay, số khác lại trổ rồi kết toàn… hạt lép. Thế mới có chuyện nhà ông Khánh gặt 6 sào lúa mà chỉ thu được 4 bao…dé! Nhà anh Vàng làm 8 sào lúa mà chẳng có hạt nào, giờ phải cắt rạ cho trâu. Mà ở xã Phổ Cường, đâu chỉ gia đình ông Khánh gặt dé, anh Vàng thu rạ. Vì theo Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Cường Bùi Văn Chuyên thì toàn xã có đến 210ha lúa thuộc diện trà sớm, hưởng nước trời hoặc đứng rạ, hoặc hạt lép ép hạt chắc. Điều này có nghĩa, hàng trăm hộ dân nơi đây sẽ rơi vào cảnh khốn khó vì nạn mất mùa, thất bát.
…Đến nắng hạn, xâm nhập mặn
Trong khi diện tích trà lúa sớm ở xã Phổ Cường thất bát khiến bà con nơi đây rầu rĩ, thì nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh cũng đang phập phồng với trà lúa chính. Lý do, “lúa sắp trổ mà trời cứ ngày nắng gắt, đêm lạnh, sáng sương mù như thế này thì lép là cái chắc”, ông Nguyễn Thắng ngụ thôn Phước Thuận, xã Đức Phú (Mộ Đức) nói với vẻ lo lắng.
Đã thế, từ trước và sau Tết đến giờ, chưa có trận mưa nào nặng hạt để bổ sung nước cho các hồ chứa, đập bổi nên người dân nơi đây lo lắng lúa và cây trồng vụ đông xuân năm nay sẽ “khát” sớm, kéo theo vụ hè thu “khát” dài. Chẳng thế mà hiện giờ, họ đã bàn tán chuyện giữ nước, đóng giếng; thậm chí tìm kiếm loại cây trồng để thay thế cây lúa trong vụ hè thu.
Thoạt nghe, tưởng bà con nông dân Đức Phú lo xa. Nhưng khi nghe Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi (Công ty) Nguyễn Lập nói rằng, mực nước hiện giờ của công trình đầu mối thủy lợi Thạch Nham dưới tràn 40 cm, còn dung tích các hồ chứa cũng giảm 0,4 - 1m so với cùng kỳ năm 2011 - 2012, thì cái lo ấy chẳng xa tý nào.
Con số trên cho thấy, chuyện nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp 2014 đã bắt đầu căng thẳng ngay từ bây giờ, chứ không phải đợi đến sản xuất hè thu. Nhất là khi lượng nước để dành tưới cho hè thu đã bị cây trồng vụ đông xuân chia sẻ do trời nắng nóng, lại không có mưa bổ sung. Đã thế, hàng loạt công trình, kênh mương thủy lợi bị trận lũ hồi giữa tháng 11.2013 tàn phá đến giờ vẫn chưa hồi phục hoàn toàn cũng làm thất thoát một lượng nước không nhỏ.
Cùng với nắng hạn, người dân các xã khu Đông huyện Tư Nghĩa còn thấp thỏm với nạn xâm nhập mặn. Lo lắng này không phải không có cơ sở khi mà đến thời điểm này, đập Hiền Lương - công trình cung cấp nước tưới và ngăn mặn cho hàng nghìn hecta lúa, hoa màu của bà con nông dân nơi đây vẫn còn tình trạng nơi gãy, chỗ bể...
Theo ông Nguyễn Lập, mặc dù đập Hiền Lương hiện giờ vẫn còn nước, nhưng không loại trừ khả năng sẽ rơi vào trạng thái trơ đáy. Thế nên để tránh tình trạng nước mặn xâm thực, Công ty đã chủ động chèn bạt, đóng chốt các cống để giữ số nước ngọt còn ít ỏi trong đập. “Nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, đập Hiền Lương cùng với 110 điểm kênh mương bị sạt lở, hư hỏng do mưa lũ cần được sửa chữa cơ bản để đáp ứng nhiệm vụ tích ngọt, ngăn mặn và dẫn nước tưới”, ông Lập cho hay.
MỸ HOA
Like Web Đức Phổ trên Facebook để được cười và nhận tin nhiều hơn nhé ^^
Chức năng bình luận bằng facebook tạm đóng. Apps comments Facebook sẽ sớm cập nhật để quản lý và chặn comments được tốt hơn.
Đức Phổ Online trên Facebook
Fanpage Đức Phổ Web
Nhớ like 76h1.blogspot.com trên Facebook để nhận bài đăng và tin tức hàng ngày nhé bạn! ^^
Nhớ like 76h1.blogspot.com trên Facebook để nhận bài đăng và tin tức hàng ngày nhé bạn! ^^
Bình luận: (chức năng này tạm đóng) Lên đầu trang