Sa Huỳnh - Lên núi tuyển... ngư dân!

Lượt xem: Lượt bình luận:
Thể loại:
at
Số lượng tàu thuyền ngày một tăng, nhưng lao động đi biển (còn gọi là "đi bạn") thì lại khan hiếm trầm trọng. Vì vậy, bên cạnh việc phải chạy đôn, chạy đáo khắp nơi để tìm kiếm; để giữ chân số "bạn" đã có, các chủ tàu cá còn phải chi hàng tỷ đồng cho "bạn" ứng; cố tình neo tàu ngoài khơi để họ khỏi bỏ sang đi cho tàu khác; hoặc thậm chí "mua" công lao động theo từng chuyến... - một thực trạng đáng báo động của nghề biển miền Trung thời gian gần đây!
Luyện "tiều phu" thành... ngư phủ
Chúng tôi về Phổ Thạnh, H. Đức Phổ (Quảng Ngãi) vào lúc mùa khai thác hải sản hàng năm của ngư dân nơi đây bước vào thời chính vụ. Thế nhưng khác hoàn toàn so với hình dung ban đầu, tại khu vực neo đậu tàu thuyền ở cảng Sa Huỳnh, hàng loạt phương tiện vẫn còn đang neo đậu tại bờ, mà nguyên nhân chính là do "biên chế" lao động cho một chuyến ra khơi chưa đủ.
Đưa tay chỉ vào 2 chiếc tàu đang chờ kéo lên để sơn lại, ông Phan Tiến (1964), ở thôn Thạnh Đức than thở: "Gia đình có 4 chiếc hành nghề giã cào ở vùng biển phía bắc, sau tết cổ truyền vừa rồi, chỉ mới 2 chiếc là đủ bạn để ra khơi; 2 chiếc còn lại dự kiến đi từ hôm mùng 7 âm lịch. Thế nhưng dù tìm mãi khắp nơi cũng mới chỉ được 8/10 người, vì vậy đành phải nằm bờ. Tranh thủ trong lúc kiếm đủ người, chúng tôi cho thợ kéo lên để tu bổ lại".
Nói về thực trạng chung của nghề biển ở Đức Phổ hiện nay, ông Phan Hiển, Chi hội trưởng nghề cá xã Phổ Thạnh cho biết: Nhiều chủ tàu sau khi tìm "bạn" ở các vùng đồng bằng nhưng vẫn không có đủ, đã phải nhờ người quen lên tận các vùng miền núi như Ba Tơ, Sơn Hà để "săn" lao động... đi biển. Cũng vì chuyện "tiều phu xuống biển đánh cá" như vậy nên xảy ra không ít cảnh "cười ra nước mắt".
Một chủ tàu tên Tân kể: Do lâu nay chỉ quen với cảnh đốn củi, làm nghề trồng tỉa ở núi rừng cho nên, khi mới vừa bước xuống tàu thì họ say mềm như sợi bún, phải nằm một chỗ. Có trường hợp không say sóng nhưng khi tàu vừa chạy ra khỏi bờ, nhìn thấy bốn bề mênh mông sóng nước nên quá sợ đã chui vào ca bin trốn, họ không dám ra boong vì sợ tàu lắc lư sẽ rơi xuống biển... Cũng may là sau một vài chuyến đi, số lao động ở miền núi quen dần với công việc. Mặt khác, với số tiền công được trả cho một chuyến ra khơi (từ 15-30 ngày) khoảng 4 đến 6 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với làm rẫy, chặt keo thuê. Vì thế, hiện đã có hàng chục thanh niên ở các huyện miền núi rủ nhau xuống biển đi "bạn".
Lên núi tuyển... ngư dân!
Để ra khơi và đánh bắt, mỗi tàu cần đến hàng chục lao động (bạn) để kéo lưới, phân loại cá...
Nhọc nhằn đường ra khơi
Mặc dù đã phải lên núi tìm "bạn", nhưng tất nhiên không phải chủ tàu cá nào cũng may mắn tìm được đủ người để ra khơi. Ông Lê Văn Thịnh (34 tuổi), một chủ tàu cá ở thôn Thạch By, lắc đầu: Chuyện chậm trễ phiên, chuyến ra biển; hay nằm bờ cả tháng vì không tìm được hoặc "bạn" đến trễ.... là rất đỗi bình thường. Ít thì chậm một vài ngày, còn không thì cả tháng. Năm vừa rồi, vì gia đình của 2 ngư dân đi cùng có việc nên họ phải nghỉ ở nhà, không sao tìm được người thay thế nên chúng tôi đành phải bỏ 2 phiên biển, thiệt hại hơn 100 triệu đồng.
Còn chủ tàu Thu, ở cùng thôn thì kể: Vào chuyến biển hồi tháng 7 của năm trước, sau khi lấy nhiên liệu, thức ăn... để ra khơi, thế nhưng đến giờ xuất bến mà 3 ngư dân đi cùng vẫn biệt tăm, gọi cả trăm cuộc mà chẳng ai nghe máy. Không biết tìm đâu người thay thế nên đành phải lùi thời gian lại để chờ. Đến ngày hôm sau thì 3 lao động trên mới đến và cho biết nhậu say quá nên... ngủ quên. Không chịu nổi cảnh vất vả vì tìm kiếm "bạn", đã có chủ tàu phải bán phương tiện và từ giã nghề, như trường hợp ông Nguyễn Văn T, ở thôn Thạch By là một ví dụ.
Lên núi tuyển... ngư dân!
Nhiều tàu thuyền đang nằm bờ trong khi chờ tuyển đủ lao động.
Sau một thời gian làm ăn khá hiệu quả, ông T đã đóng tất cả được 4 chiếc tàu khá hiện đại, với công suất từ 150-250 CV. Tuy nhiên năm 2013 vừa qua, bất ngờ ông T bán 2 chiếc và hiện đang tiếp tục kêu bán 2 chiếc còn lại, với giá 1,5 tỷ đồng. Khi được hỏi lý do, ông T giải thích rằng do con cái của mình nay đã làm việc trong cơ quan Nhà nước nên không ai trông coi.
Tuy nhiên, theo số bạn bè thân, thì lý do mà ông T bán tàu là không thể nào tìm được bạn. Ông Nguyễn Duy Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh cho biết: Với số lượng phương tiện hiện khoảng 952 chiếc, tổng công suất gần 175.400 CV, Phổ Thạnh là xã có đội tàu đánh bắt nhiều nhất của Quảng Ngãi. Và theo ước tính bình quân mỗi tàu cần 8 lao động, thì chỉ riêng số tàu đánh bắt xa bờ (công suất 90 CV trở lên) khoảng 650 chiếc, số "bạn" cần lên đến 5.200 người. Tuy nhiên, trong vụ đánh bắt năm 2014 này, thì số lao động ra khơi trong địa phương thiếu hơn 700 người.
Doãn Nguyên Hưng
(Cadn.com.vn)


Nonstop Việt Mix 2014 - Liên Khúc nhạc trẻ remix hay nhất


Like Web Đức Phổ trên Facebook để được cười và nhận tin nhiều hơn nhé ^^

Bình luận: (chức năng này tạm đóng) Lên đầu trang