Khoảng năm 1990, trên đường đi dạy học về, tình cờ thấy người bạn cũ ở xa về quê ăn Tết không ngần ngại chi nhiều tiền mua một bình gốm do ngư dân vớt dưới biển đem về, thầy Thành hỏi: “Mua làm gì vậy?”. Ông bạn trả lời: “Chỉ biết đó là đồ cổ. Chưa biết thời nào, nhưng thấy là lạ, hay hay nên cứ mua về để chưng chơi”. Thế là từ đó, thầy Thành bỗng yêu thích đồ cổ và nảy sinh ý muốn sử dụng thời gian rảnh rỗi để nghiên cứu và sưu tầm cổ vật
Thầy giáo Phạm Văn Thành với không gian trưng bày đồ cổ tại tư gia. Ảnh: Báo Quảng Ngãi.
|
Gia đình thầy Thành ở ngay vùng biển Sa Huỳnh (Phổ Thạnh), nơi vinh dự được lấy tên đặt cho dòng văn hóa cổ nổi tiếng cách nay hàng nghìn năm - văn hóa Sa Huỳnh. Thỉnh thoảng người dân ở đây vẫn còn nhặt được một số hiện vật thuộc dòng văn hóa này lộ ra trên bãi cát hoặc đào từ dưới đất lên.
Ngư dân Sa Huỳnh thời nay cũng mua sắm được nhiều tàu thuyền có công suất lớn, vươn ra đánh bắt ở các ngư trường xa, và thường lặn vớt được rất nhiều cổ vật ở những vùng biển khác nhau đem về. Nhưng họ không biết hết giá trị của nó nên sẵn sàng bán giá rẻ.
Còn thầy Thành, vốn mê đồ cổ nên khi nghe tin ở đâu có người vớt được cổ vật dưới biển lên là thầy liền tìm đến xem, mua cho bằng được. Chẳng bao lâu thầy đã sở hữu được nhiều món đồ vớt từ biển vừa sâu tuổi, lại rất có giá trị về mặt nghiên cứu như Kendi là loại bình đựng nước có vòi không quai rất hiếm thấy, hay là bình đựng nước thời nhà Đường (Trung Quốc) hoa văn đắp nổi hình lá đề và rất nhiều loại vò, hũ, chén, đĩa... cốt gốm của các thời đại khác nhau.
Trong đó gốm Chu Đậu là dòng đồ gốm được thầy Thành đặc biệt quý trọng. Nó niên đại từ thế kỷ 14-15, và được vớt lên từ con tàu đắm ở vùng biển Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam. Đây là dòng đồ gốm Việt - tinh hoa của văn hóa nước nhà. Gốm Chu Đậu thể hiện tài nghệ điêu luyện và tâm hồn phóng khoáng thanh cao của người thợ gốm Việt vào thời đại ấy.
Trong khoảng không gian dành để trưng bày cổ vật tại nhà thầy Thành, nổi bật lên gần một trăm món đồ gốm Chu Đậu gồm nhiều loại hình men mực khác nhau như bình Kendi, bình Tỳ bà, tráp phấn men tím, các loại hũ, tô, đĩa... vẽ chim, hoa và tượng thú vẽ trắng xanh hoặc men màu tam thái.
Để có được bộ sưu tập đồ gốm Chu Đậu phong phú, đa dạng như thế thầy Thành đã tốn rất nhiều công sức. Thầy ra tận vùng biển Cù Lao Chàm mua lại của người quen. Còn lại phần nhiều là thầy mua của các ngư dân Quảng Ngãi lặn vớt đem về và trao đổi qua lại với anh em thuộc giới chơi đồ cổ trong và ngoài tỉnh.
Thầy Thành cũng rất thích sưu tập đồ sứ cổ còn sót lại trong dân, nhất là đồ sứ men trắng vẽ xanh thuộc các triều đại của thời Minh, Thanh (Trung Quốc) và dòng đồ men lam Huế do triều Nguyễn ký kiểu cho người Tàu được sản xuất tại các lò gốm nổi tiếng của Trung Hoa.
Dưới thời bao cấp và những năm đầu của thời kỳ mở cửa, các loại cổ vật này còn dễ tìm thấy trong dân. Nhưng sau một thời gian dài "chảy máu cổ vật" ra nước ngoài, thì thị trường đồ cổ trong nước và ở Quảng Ngãi ngày càng hiếm dần. Đến khi có Luật Di sản cho phép tư nhân nghiên cứu và sưu tầm cổ vật để xã hội hóa việc bảo vệ di sản văn hóa vật thể thì đồ sứ cổ, đặc biệt là đồ sứ men lam Huế, đồ sứ quan dụng và các loại đồ thờ tự... đã trở nên hiếm thấy và rất khó sở hữu, vì giá mỗi món đồ như vậy đã tăng lên rất cao, có khi lên đến nhiều chục triệu đồng một món.
Thế nhưng, với tính kiên nhẫn tích góp bằng đồng lương giáo viên và chịu khó lặn lội đến nhiều nơi tìm kiếm sưu tầm, thầy Thành đã sưu tập được gần 100 món đồ sứ trắng xanh, bao gồm các loại đĩa trà, chén trà, bình trà, lọ cắm hoa... với nước men và nét vẽ rất đẹp, như bình điếu hút thuốc lào, hiệu đề chữ Thọ, thuộc dòng đồ men lam Huế và nhiều đĩa trà vẽ sơn thủy, hiệu đề Ngoạn Ngọc, Mỹ Ngọc...
Thầy Thành đã dành một khoản tiền không nhỏ để mua sắm nhiều loại cổ vật là đồ thờ tự như lư hương, đèn đồng, hoành phi, liễn đối... tạo ra một không gian thờ tự tổ tiên, ông bà trong gia đình của mình một cách nho nhã, trang nghiêm, quý phái.
Biết thầy Thành thích chơi đồ cổ, nhiều người tò mò hỏi: "Chơi như vậy thì thầy lợi được những gì?". Thầy đã không ngần ngại trả lời: "Kiếm lợi về tiền bạc thì không có nhiều, nhưng về tinh thần thì được rất nhiều". Nhờ nghiên cứu và sưu tầm những hiện vật của quá khứ nên vốn hiểu biết của bản thân không ngừng được bổ sung cả về chiều sâu lẫn bề rộng, đặc biệt là các lĩnh vực có liên quan đến lịch sử, văn hóa nước nhà và các nước trong khu vực, từ đó hỗ trợ thầy rất nhiều trong việc truyền đạt kiến thức về môn văn cho học sinh.
Theo Báo Quảng Ngãi
Like Web Đức Phổ trên Facebook để được cười và nhận tin nhiều hơn nhé ^^
Chức năng bình luận bằng facebook tạm đóng. Apps comments Facebook sẽ sớm cập nhật để quản lý và chặn comments được tốt hơn.
Đức Phổ Online trên Facebook
Fanpage Đức Phổ Web
Nhớ like 76h1.blogspot.com trên Facebook để nhận bài đăng và tin tức hàng ngày nhé bạn! ^^
Nhớ like 76h1.blogspot.com trên Facebook để nhận bài đăng và tin tức hàng ngày nhé bạn! ^^
Bình luận: (chức năng này tạm đóng) Lên đầu trang