Phổ Quang - Vui, buồn ở một “pháo đài” tiền tiêu trên biển

Lượt xem: Lượt bình luận:
Thể loại:
at

Nghiệp đoàn Nghề cá Phổ Quang (Đức Phổ, Quảng Ngãi) hiện có 653 đoàn viên của 65 tàu cá. Đây là nghiệp đoàn có đội tàu cá hoạt động ở ngư trường quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, nên nghiệp đoàn còn có ý nghĩa như một pháo đài tiền tiêu trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh hải của tổ quốc.

Tàu Nghiệp đoàn Nghề cá Phổ Quang cập cảng Mỹ Á (Đức Phổ).
Ông Võ Xuân Cẩm - cán bộ nghiệp đoàn, cũng là một ngư dân kỳ cựu trên biển - cho biết: Từ khi Nghiệp đoàn Nghề cá Phổ Quang đi vào hoạt động đã đem đến nhiều cái lợi cho ngư dân trên biển và trên bờ. Nghiệp đoàn sắp xếp, hình thành những tổ nghiệp đoàn để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp sự cố, tình huống xấu trên biển, thăm hỏi, giúp đỡ các đoàn viên gặp hoạn nạn, lâm vào tình cảnh khó khăn.
Tiêu biểu như các trường hợp: Nguyễn Xếch bị chìm tàu, Võ Đình Hoàng bị tai biến đột quỵ trên biển, Trần Xi bị tai nạn đứt lìa một cánh tay khi vận hành máy xay đá, Nguyễn Văn Thảnh bị ngã gãy xương sườn..., tất cả đều được nghiệp đoàn thăm hỏi, động viên, hỗ trợ từ 1- 2 triệu đồng/trường hợp. So với thiệt hại, mất mát của ngư dân, số tiền trên chẳng thấm vào đâu, nhưng họ cảm thấy ấm lòng. Xã Phổ Quang hiện còn hơn 500 ngư dân của 50 tàu cá xa khơi có nguyện vọng gia nhập nghiệp đoàn.
Ông Trần Nổi - Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Phổ Quang - cho biết, trước mắt chưa thể kết nạp hết số ngư dân này vào tổ chức được, vì số lượng đoàn viên hiện có đã quá đông, cán bộ nghiệp đoàn chưa có kinh nghiệm quản lý và lãnh đạo phong trào quần chúng, kinh phí công đoàn eo hẹp... Không vào được nghiệp đoàn, nhiều gia đình ngư dân khá... bức xúc.
Nghiệp đoàn Nghề cá Phổ Quang hiện đang gặp nhiều khó khăn về đoàn phí, về phương tiện thông tin... Do thiếu phương tiện thông tin liên lạc, nghiệp đoàn không nắm bắt kịp thời các thông tin, sự cố mà ngư dân gặp phải trên biển. Đơn cử như trường hợp tàu cá của bà Trần Thị Kim Cúc, do chồng là ông Nguyễn Sáu làm thuyền trưởng, bị tàu Trung Quốc chặn cướp thiết bị, lương thực, thực phẩm ngày 19.2.2014 tại đảo Bom Bay (Hoàng Sa), thiệt hại ước tính trên 30 triệu đồng. Thông tin này chỉ được cập nhật từ máy Icom của gia đình nạn nhân.
Ông Trần Nổi cho biết thêm, khó khăn lớn nhất của ngư dân hiện nay là phương tiện đánh bắt. Hầu hết tàu cá của ngư dân Phổ Quang đều xuống cấp, không thể hoạt động dài ngày trên biển. Nguyện vọng của ngư dân là được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ vốn vay ưu đãi để cải hoán, đóng mới tàu thuyền. Mong Nhà nước đầu tư một tàu công suất lớn chuyên thu mua hải sản trên biển, giảm bớt thời gian, kinh phí chạy biển cho ngư dân. Vì để đến được ngư trường quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, tàu cá có công suất 500CV phải chạy liên tục 3 ngày, 3 đêm, chuyên chở 500 cây đá, lương thực, thực phẩm, nước uống. Phí tổn cho một phiên biển khoảng 120 triệu đồng, nếu may mắn đánh đầy 4 hầm cá, về lại đất liền bán được 160 triệu đồng, trừ phí tổn, thu nhập còn lại của ngư dân chẳng đáng là bao.
Ông Trần Nổi chưa xót, ngày nay ngư dân cũng lâm vào tình cảnh được mùa, mất giá. Trước kia 1kg cá ngừ sọc dưa bán được 32.000 đồng, nay bị ép giá chỉ bán được 16.000 đồng. Năng suất tăng cao nhưng thu nhập giảm thấp, nhiều lúc ngư dân phải bỏ luồng cá, chạy tìm nơi nhắn tin kiếm tiền dầu bù lỗ, còn không thì phải cho tàu nằm bờ. Đối với ngư dân, để gửi được 15 tin nhắn/tháng về đất liền là điều không dễ, phải khó khăn lắm họ mới nhận được tiền dầu hỗ trợ - ông Trần Nổi nhấn mạnh.
Theo baomoi.com


Nonstop Việt Mix 2014 - Liên Khúc nhạc trẻ remix hay nhất


Like Web Đức Phổ trên Facebook để được cười và nhận tin nhiều hơn nhé ^^

Bình luận: (chức năng này tạm đóng) Lên đầu trang